Sản xuất và tiêu thụ gạch không nung đang có những chuyển biến tích cực
Là vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, hơn nữa, thời gian gần đây, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng đi vào nền nếp, thị hiếu của người tiêu dùng về gạch không nung cũng dần thay đổi, do đó tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch không nung trên địa bàn tỉnh đang có những chuyển biến tích cực.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Xuân Trường (Yên Định).
Hiện nay, toàn tỉnh có 39 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, trong đó, có hàng chục doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô sản xuất lớn, như: Tổng Công ty Hà Thanh (Vĩnh Lộc) với công suất thiết kế 200 triệu viên/năm; Công ty TNHH MTV Tân Thành 9 (TP Thanh Hóa) công suất thiết kế 70 triệu viên/năm; Công ty TNHH Quân Phong (TP Thanh Hóa) với công suất 40 triệu viên/năm; Công ty TNHH Xuân Trường (Yên Định); Công ty TNHH Hoàng Tuấn (Hoằng Hóa) với công suất 15 triệu viên/năm...
Vốn là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất đá ốp lát, năm 2015, Công ty TNHH Xuân Trường (Yên Định) quyết định xây dựng nhà máy gạch không nung để tận dụng chính nguồn nguyên liệu phế phẩm từ hoạt động khai thác, sản xuất đá xẻ của đơn vị.
Ông Trịnh Xuân Trường, phó giám đốc công ty, cho biết, dự án có công suất 20 triệu viên/năm, được đầu tư trên khu đất rộng khoảng 27.000m2 gồm khuôn viên làm sân phơi gạch không nung, xưởng sản xuất, nhà kho chứa sản phẩm... Toàn bộ hệ thống máy móc được đơn vị đầu tư mới và đồng bộ, như máy xay đá 1x2, máy xẻ đá ốp lát, máy đùn gạch... Chất thải của dự án chủ yếu là bột đá lắng lọc tại các hố chứa. Để bảo đảm môi trường, định kỳ từ 7 - 10 ngày, công ty thực hiện nạo vét, vận chuyển đến nơi tập kết theo quy định. Sau một thời gian, bột đá khô ráo sẽ được tận dụng trộn với đá 1x2 và đất nguyên liệu tạo nên sản phẩm đá bây cung cấp cho thị trường thi công các công trình giao thông, san lấp mặt bằng...
Ông Trường cũng cho biết thêm, bước sang năm 2018, tình hình tiêu thụ gạch không nung của đơn vị tăng trưởng khoảng 20%. Ngoài đối tượng các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách bắt buộc phải sử dụng gạch không nung, nhiều công trình của các chủ đầu tư tư nhân, hộ gia đình cũng quan tâm và sử dụng gạch không nung nhiều hơn. Sang năm 2019, đơn vị sẽ nghiên cứu đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất mới để đáp ứng nhu cầu về sản lượng cho các công trình xây dựng.
Với Tổng Công ty Hà Thanh, hiện nay đơn vị có hai nhà máy sản xuất gạch không nung, một nhà máy tại huyện Vĩnh Lộc và một nhà máy tại xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa), với tổng công suất thiết kế 200 triệu viên/năm. Do đầu tư dây chuyền liên doanh Việt - Nhật đồng bộ và hiện đại, sản phẩm của công ty luôn được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Đại diện Tổng Công ty Hà Thanh, cho biết, dự báo trong tương lai, gạch không nung sẽ thay thế gạch nung truyền thống, do đó nhu cầu của thị trường sẽ tăng cao. Đó là cơ sở để đơn vị không ngừng nghiên cứu, đầu tư công nghệ sản xuất để đáp ứng tốt hơn thị hiếu của khách hàng.
Theo thống kê của Phòng Quản lý Vật liệu, Sở Xây dựng, năm 2016, tổng công suất thiết kế của các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung mới đạt 600 triệu viên; năm 2018, các doanh nghiệp đã nâng công suất lên gần 924 triệu viên. Tình hình tiêu thụ gạch không nung có nhiều tín hiệu khởi sắc, tăng trưởng bình quân đạt 10 - 15%/năm. Gạch không nung sử dụng chất thải rắn, tận dụng được phế thải công nghiệp của các mỏ đá, xi măng... làm nguyên liệu sản xuất nên không gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản. Hơn nữa, công nghệ sản xuất không dùng chất đốt nên không gây ô nhiễm môi trường. Qua phối trộn nguyên liệu với tỷ lệ thích hợp, sản xuất theo tiêu chuẩn, dây chuyền công nghệ cao sẽ tạo ra sản phẩm có cường độ chịu nén, độ cứng và độ chống xuyên nước cao, bảo đảm tốt các tiêu chuẩn xây dựng.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở Xây dựng, hiện nay, các cơ sở sản xuất gạch không nung tập trung chủ yếu tại các huyện miền xuôi, trung tâm các khu đô thị dẫn đến mất cân đối cung cầu tại khu vực miền núi. Hiện, giá thành tại chân công trình ở các huyện miền núi cao hơn nhiều so với miền xuôi. Bên cạnh đó, vẫn còn bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết tính năng, ưu điểm của vật liệu xây không nung. Cùng với đó, một số cơ sở sản xuất chưa đầu tư xứng đáng cho công nghệ, không bảo đảm đúng quy trình sản xuất làm ảnh hưởng đến “uy tín” của vật liệu này.
Hiện nay, Sở Xây dựng đã quy hoạch và đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất gạch không nung công suất từ 10 - 20 triệu viên/năm tại 5 huyện chưa có nhà máy là: Nông Cống, Thiệu Hóa, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn. Khuyến khích các đơn vị nâng cấp, cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất với các nhà máy hiện có. Kêu gọi đầu tư các nhà máy sản xuất gạch bê tông nhẹ (gạch chưng áp) tại TP Thanh Hóa, huyện Tĩnh Gia, mỗi cơ sở một nhà máy với công suất khoảng 70 triệu viên/năm.
Công nghệ nào cho gạch không nung?
Từ năm 2010, nhà nước đã có chủ trương khuyến khích phát triển gạch xi măng cốt liệu (gạch bê tông hay gạch không nung). Kể từ đó, nhiều văn bản, quy định đã ra đời, nhưng điểm mấu chốt là kiểm soát chất lượng và hạn chế gạch đỏ đã chưa được chú trọng.
Việt Nam đã làm chủ công nghệ
Công nghệ sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu theo nguyên lý ép tĩnh hai chiều, đơn động cho ra các sản phẩm gạch ống chất lượng cao, tỷ trọng thấp đã được một số đơn vị khoa học công nghệ trong nước hoàn toàn làm chủ. Một số dây chuyền thiết bị đã tham gia sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường 2 - 3 năm nay và theo các chuyên gia, hoàn toàn chứng minh được độ ổn định, tính bền bỉ của cả hệ thống sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm viên gạch ống không nung xi măng cốt liệu với công nghệ ép tĩnh đã chinh phục lòng tin của nhiều nhà thầu xây dựng Long An, TP HCM và Bình dương... Thậm chí dây chuyền thiết bị và cả sản phẩm gạch đều đã được công nhận là sản phẩm khoa học công nghệ của Việt nam. Nhưng sau khi được chuyên gia công nhận, thị trường công nhận, nhà nước công nhận… công nghệ sản xuất này dường như vẫn cô đơn lẻ loi trong cộng đồng ngành xây dựng. Doanh nghiệp sau khi bỏ công sức ra đầu tư, nghiên cứu, thành công, đăng ký với nhà nước… sau rồi thì để đó; và doanh nghiệp lại phải quay ra loay hoay bươn trải để tồn tại, mong chờ ngày nào đó chính sách thuận lợi hơn chăng?
Bất cập trong chính sách và thực thi
Trong khi Chính phủ luôn ban hành những chính sách dường như hỗ trợ rất tốt cho phát triển gạch không nung như Thông tư 13/2007/TT-BXD, Thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Dự án phát triển gạch không nung do UNDP tài trợ... Gạch ống không nung xi măng cốt liệu, công nghệ ép tĩnh chất lượng cao vẫn chưa được đánh giá đúng, chưa được thị trường đón nhận… Vậy thực trạng này là do đâu?
Trước hết có thể nói là do các nhà thầu xem thường pháp luật. Họ đã bỏ qua Thông tư chỉ đạo sử dụng gạch không nung trong công trình cao tầng và vốn ngân sách mà xây dựng. Nhưng có thể vì lợi nhuận mà các nhà thầu, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến giá rẻ, không quan tâm đến chất lượng.
Tất nhiên vừa qua dư luận có một số sản phẩm gạch không nung chất lượng chưa đảm bảo do các cơ sở sản xuất chưa đầu tư tương xứng, chưa kiểm soát được công nghệ, lại cố gắng giảm giá để cạnh tranh nên đã cho ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo, gây dư luận không tốt. Nhưng nếu các nhà thầu biết lựa chọn các sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp, thị trường vẫn có nhiều sản phẩm đáp ứng tốt, hoàn toàn có thể an tâm đưa vào sử dụng trong các công trình dân dụng và công nghiệp.
Gạch rung ép công nghệ Trung Quốc được quảng cáo mạnh mẽ với năng suất cao giá thành gạch bán thấp và đặc biệt được hỗ trợ thuế nhập khẩu 0%. Điều này tạo nên một làn sóng đầu tư hào hứng. Nhưng sau một thời gian, chất lượng viên gạch ảnh hưởng đến công trình là nguyên nhân của lún móng, nứt tường… nên hiện nay hàng loạt nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường, tạo nên khoảng trống đáng kể về sản lượng, về giá bán, và gạch đất nung lại được dịp lên ngôi...
Kiến nghị từ thực tế phát triển
1. Để phát triển bền vững ngành vật liệu xây không nung, để không tốn chi phí cưỡng chế, giám sát, giải quyết khiếu nại của việc cấm sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; nhà nước nên đánh thuế môi trường lên viên gạch đất sét nung với mức thuế hợp lý. Gạch đất sét nung vừa tiêu tốn đất đai tài nguyên không tái tạo, vừa phát thải khí CO2. Việc này vừa hạn chế sản xuất loại sản phẩm này, vừa thu ngân sách về cho nhà nước.
2. Để quản lý chất lượng gạch không nung chặt chẽ, cần thêm tiêu chí tỉ khối của gạch trong tiêu chuẩn TCVN 6477:2016, nhằm giảm áp lực lên hệ móng, giúp an toàn, bền vững chất lượng cho các công trình và giảm chi phí móng và chống hiện tượng nứt tường, thể hiện quan điểm khuyến khích sản xuất vật liệu không nung có tỷ trọng thấp.
3. Cần có phương án tháo gỡ khó khăn cho việc các công trình vốn ngân sách được thiết kế dự toán bị quy định chặt chẽ về kích thước, chủng loại gạch xây tường như dùng gạch bê tông 4 lỗ 8x8x18, Mac 75... Điều này làm cho các loại gạch nhẹ khác như gạch ống 8 lổ với nhiều ưu điểm không được tham gia vào các công trình có vốn ngân sách.
Gạch không nung sẽ ngày càng phát triển, đây là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Vấn đề là thời gian. Gạch không nung cần được kiểm soát chất lượng tốt, đi vào công trình, khi đó các đơn vị sản xuất đi đầu mới có hiệu quả để tồn tại và phát triển. Và lợi ích chung của đất nước về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng sẽ được thể hiện bền vững, lâu dài trong các công trình xây dựng.
Trung tâm giám định và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy Vietcert
Đà Nẵng: 28 An xuân, Thanh Khê, Đà Nẵng
Hà Nội: 114 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội
Hồ Chí Minh: 102 Nguyễn Xí, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Đăk Lăk : 12 Trần Nhật Duật, thành phố Buôn Mê Thuột
Cần Thơ: Khu Chung cư Hưng Phú 1, Đường A1, Cái Răng, Cần Thơ
Hải Phòng: Tòa nhà Thành Đạt, Thành phố Hải Phòng
Mr. Huyền: 0903 516 929 - 0961997338
Mail: vietcert.kinhdoanh60@gmail.com
-------
B.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét